TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 766

  • Tổng 8.078.880

Đảng bộ xã Lý Trạch lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Lý Trạch là một xã thuần nông, nằm ở phía Nam của huyện Bố Trạch, nơi được xem là cửa ngỏ phía bắc thành phố Đồng Hới với nhiều điều kiện và lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội và các ngành nghề dịch vụ. Nhân dân Lý Trạch giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, đã tạo nên một sức mạnh lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

 Đảng bộ xã có hơn 300 đảng viên, sinh hoạt ở 14 chi bộ trực thuộc, trong đó có 10 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học và 1 chi bộ công an. Những năm trước đây tình hình kinh tế - xã hội của xã còn nhiều khó khăn, chủ yếu là trồng lúa, quy mô sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung, chưa có nhiều mô hình mới, bà con chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cơ sở hạ tầng còn thiếu; tình hình an ninh trật tự còn có diễn biến phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.

Trong những năm trở lại đây, Đảng bộ xã đã tập trung đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên để tạo tiền đề thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đảng bộ xã thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân, vì thế nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt. 

Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo phát triển các lĩnh vực sản xuất có chiều hướng ổn định, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình phù hợp, có sức cạnh tranh cao. Trong đó, chú trọng khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực, như: trang trại, gia trại, trồng và chăm sóc hoa, rau màu, cây ăn quả, phát triển rừng và nuôi trồng thủy sản... Vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư vào các mô hình làm ăn có hiệu quả và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến để thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, từ chổ chăn nuôi nông hộ nay phát triển theo hướng chuyển dần sang liên kết gia trại, trang trại; chất lượng tổng đàn ngày càng gia tăng, nhất là đàn gia cầm; trồng trọt từ chổ manh mún nhỏ lẻ thì nay đã hình thành những vùng chuyên canh hoa tập trung với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện toàn xã hiện có trên 50 ha đất nông nghiệp trồng hoa luân canh tăng vụ quanh năm, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân tại địa phương. Ngoài ra, xã còn là địa phương có thế mạnh và nổi tiếng về trồng cây ăn quả như ổi, dưa hấu, thanh long... Hiện trên địa bàn xã có 01 hợp tác xã (ổi Tâm An), 01 tổ nghề nghiệp (nghề Mộc dân dụng); 01 Tổ hợp tác cung ứng nước và 01 Tổ hợp tác trồng ổi Phúc Lộc. Sản phẩm ổi Phúc Lộc đạt tiêu chuẩn VietGap, được Hội đồng thẩm định của huyện công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Sản phẩm ổi Phúc Lộc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Toàn xã có trên 574 ha diện tích gieo cấy cả năm, trong đó có hơn 60 ha ngô, 100 ha dưa hấu, 102 ha sắn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI, Nghị quyết của HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026, đã tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi các mô hình sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Những năm trước đây UBND xã đã tiến hành rà soát, quy hoạch lại đất đai canh tác, xây dựng kế hoạch phát triển thế mạnh các loại hình như: chăn nuôi, tập trung trồng, chăm sóc diện tích cây ăn quả hiện có, đưa các loại giống lúa, ngô mới có năng xuất cao vào thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó thường xuyên duy tu bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi toàn xã để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, nhờ đó, năng xuất lúa bình quân đạt từ 45 tạ/ ha trở lên, sản lượng đạt gần 1.000 tấn/năm; năng xuất ngô đạt 64 tạ/ha, sản lượng 384 tấn; năng suất dưa hấu 180 tạ/ha, sản lượng 1.500 tấn...

Đặc biệt, cây ăn quả và hoa được coi là cây mũi nhọn, cho nên nhân dân tập trung chăm sóc, thu hoạch đạt năng xuất khá cao, bình quân có hộ thu nhập từ hoa đạt từ 300-500 triệu đồng/năm như hộ gia đình ông Nguyễn Quang Huyên và ông Nguyễn Thành Trung ở thôn 3, hộ ông Lê Văn Tính ở thôn 10; từ ổi như hộ ông Hồ Thanh Ngọc và hộ ông Nguyễn Văn Hân ở thôn 6, hộ ông Lê Văn Thú và hộ ông Lê Văn Niệm ở thôn 10...

Vườn cúc- nguồn thu nhập vào dịp Tết của người dân Lý Trạch

Cùng với các loại cây trồng, chăn nuôi cũng trở thành nguồn sản xuất chính và trở thành động lực phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình. Trong đó tổng đàn gia cầm thường xuyên duy trì gần 210.000 con, gia súc duy trì tổng đàn 2.200 conTiên biểu có hộ ông Sâm ở thôn 4 với mô hình chăn nuôi gà đạt thu nhập bình quân 1 tỷ 200 triệu đồng/năm.

Kinh tế ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, đến nay bình quân lương thực đầu người trong xã 1240,5 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm, nhiều hộ gia đình có mức sống cao. Toàn xã hiện chỉ còn 23 hộ nghèo (chiếm 1,86%) và 26 hộ cận nghèo (chiếm 2,10 %) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.

Đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng bộ xã cũng không ngừng quan tâm tập trung chỉ đạo phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của TW, của tỉnh, huyện và ngân sách địa phương, đến nay cơ sở hạ tầng của xã như: hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trụ sở UBND xã... được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn cấp Quốc gia; các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao thường xuyên được duy trì, các thôn đều có đội bóng chuyền và văn nghệ để giao lưu, tạo thành phong trào sôi nổi.

Những thành tựu đạt được ở Lý Trạch hôm nay đều bắt nguồn từ vai trò lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ xã, các Đảng viên thật sự gương mẫu, đi đầu trong công việc và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Những chủ trương, chính sách lớn được triển khai đều được lấy ý kiến của người dân, nên sát thực hơn, tạo được đồng thuận trong triển khai thực hiện. Đảng ủy xã không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phân công cấp ủy phụ trách chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, tham gia họp đầy đủ với chi bộ, đồng thời, chỉ đạo các chi bộ xây dựng nội dung sinh hoạt thường xuyên, sinh hoạt chuyên đề bám sát vào tình hình thực tiễn của địa phương, qua đó những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ được kịp thời tháo gỡ, chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước nâng lên. Ngoài ra, Đảng ủy còn quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể xã, tăng cường công tác phối hợp, thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của đoàn thể các cấp với chi bộ, qua đó kịp thời triển khai các nhiệm vụ chính trị, các phong trào đến đoàn viên, hội viên sát với điều kiện thực tế của địa phương và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.      

Với những kết quả đó, trong những năm qua Đảng bộ xã luôn được xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2022, Đảng bộ được khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu.

Thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân toàn xã sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, đoàn kết, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ; tập trung trí tuệ, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXIII đã đề ra, phấn đấu xây dựng Lý Trạch về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Nguyễn Minh Ngọc

HUV, Bí thư Đảng ủy xã

Các tin khác