TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 3891

  • Tổng 8.044.600

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phát huy vai trò cùng các đoàn thể tham gia xây dựng Đảng bộ, chính quyền vững mạnh

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Xác định vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, thời gian qua, công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện tiếp tục được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội được tăng cường. 

Để có được kết quả đó, trên cơ sở quy định của Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các đoàn thể bàn bạc, thống nhất các nội dung giám sát, phản biện xã hội; xây dựng và ban hành kế hoạch, thành lập Đoàn tổ chức giám sát. Năm 2022, Mặt trận đã chủ trì tổ chức giám sát 03 chuyên đề: về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình; về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo của công dân; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68-NQ/CP và Quyết định 23/2021/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 126-NQ/CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68-NQ/CP. Đồng thời chỉ đạo Mặt trận các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức 52 cuộc giám sát về các nội dung thiết thực như: việc cấp phát chế độ hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật và quản lý sử dụng đất trên địa bàn; việc chi trả cho các đối tượng bị thiệt hại do bảo lũ…

Qua hoạt động giám sát, Mặt trận và các đoàn thể đã phát hiện một số hạn chế, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nội dung được giám sát; từ đó có những đề xuất, kiến nghị xác đáng, kịp thời đối với cấp ủy, chính quyền để có sự điều chỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền, không để xảy ra vấn đề nổi cộm. Nhờ vậy, đã hạn chế được đơn thư khiếu nại, tố cáo, đơn thư vượt cấp.

UBMT huyện đã chỉ đạo UBMT các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo đối với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng của các khu dân cư; bám sát kế hoạch của UBMT xã tổ chức giám sát tình hình các thôn về thu nộp các loại quỹ, thuế, vốn đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Năm 2022, các Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng động ở cơ sở đã tổ chức 194 cuộc giám sát, góp phần phòng, chống và ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng ở cơ sở.

Về hoạt động phản biện: Bằng nhiều hình thức, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tham gia phản biện, góp ý kiến xây dựng dự thảo các nghị quyết, chương trình, đề án của cấp ủy, chính quyền các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Tham gia góp ý kiến phản biện vào dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về “Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục Mầm Non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh” và ý kiến góp ý vào dự thảo “Luật thực hiện dân chủ cơ sở”. Ngoài ra, Mặt trận và các đoàn thể còn thực hiện việc góp ý thông qua các hình thức như: Hội nghị tiếp xúc cử tri, các kỳ họp HĐND… để kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước, việc chấp hành pháp luật ở địa phương.

Công tác tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt theo quy chế. Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND huyện tổ chức cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, huyện tiếp xúc tại 18 điểm, có 2.780 lượt cử tri tham dự, với 141 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó có nhiều ý kiến của cử tri liên quan đến đời sống, sản xuất, an sinh xã hội, chế độ chính sách, xây dựng nông thôn mới... Các ý kiến kiến nghị của cử tri được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổng hợp đầy đủ và kịp thời gửi các cấp, các ngành xem xét giải quyết.

Việc tổ chức cho Nhân dân tham gia phản biện đối với các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo được sự thống nhất về nhận thức, hành động nhằm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của các cấp Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, chính quyền địa phương, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Nhằm góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền vững mạnh, Mặt trận, các đoàn thể triển khai thực hiện việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức khác nhau, như góp ý trực tiếp cho cán bộ, đảng viên vào những đợt phân tích chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên cuối năm; góp ý qua hòm thư của xã, thị trấn. Nội dung chủ yếu là góp ý vào các dự thảo về chủ trương, đường lối của cấp ủy Đảng; góp ý cho cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, về những tồn tại, hạn chế để cán bộ, đảng viên khắc phục sửa chữa.

Quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Việc tổ chức đối thoại đã được thực hiện một cách nghiêm túc, các ý kiến tại hội nghị đối thoại đều được người đứng đầu tiếp thu giải trình. Thông qua đối thoại trực tiếp đã tạo môi trường dân chủ, cởi mở để người dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như góp ý, phản ảnh, kiến nghị với thái độ tích cực, tinh thần thẳng thắn, có trách nhiệm. Việc giải quyết kịp thời các ý kiến của Nhân dân thông qua đối thoại trực tiếp đã củng cố thêm niềm tin cho Nhân dân, từ đó nhân dân tin tưởng và chấp hành tốt hơn các chủ trương, hoạt động của địa phương.

Việc tiếp thu ý kiến góp ý từ nhân dân đã làm cho mỗi một cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận huyện cũng đã quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp dân và phối hợp giải quyết đơn thư tố cáo của công dân. Năm 2022, Ban Thường trực Mặt trận huyện đã tiếp 07 lượt công dân. Mặt trận các xã, thị trấn tiếp 185 lượt công dân (có 02 đoàn đông người), tiếp nhận 45 đơn thư của công dân.  Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cử đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia thực hiện việc tiếp công dân theo định kỳ do Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện là người trực tiếp tiếp công dân theo quy định.

Có thể nói, việc kịp thời phản ánh lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết thỏa đáng những ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của người dân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tạo được sự đồng thuận giữa nhân đân với cấp ủy, chính quyền các cấp, giữ vững ổn định tình hình trên địa bàn.

Để phát huy và nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, một số kinh nghiệm được rút ra như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong phát huy quyền làm chủ Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên, đề cao vai trò chủ trì của Mặt trận trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện, góp ý. Hàng năm phải xây dựng kế hoạch, lựa chọn một số vấn đề bức thiết để giám sát, phản biện và tổ chức giám sát, phản biện đảm bảo quy trình, quy định.

Để có được kết quả tốt, cần được sự quan tâm tạo điều kiện và phối hợp của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Thứ ba, định kỳ, đột xuất, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, qua đó phát huy rộng rãi vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các cá nhân tiêu biểu tại các cộng đồng dân cư trong công tác góp ý xây dựng cấp ủy, chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, đề xuất, kiến nghị kịp thời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan chức năng; theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, góp ý của nhân dân để tăng hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện, góp ý.

Mặc dù còn nhiều bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, nhưng tin tưởng rằng, với sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn, Mặt trận, các đoàn thể huyện đến cơ sở sẽ không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm để góp phần  xây dựng Đảng bộ, chính quyền ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành trong tình hình mới.

Lê Duy Hưng

Chủ tịch UBMT huyện

Các tin khác