TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 2493

  • Tổng 8.158.005

Bố Trạch thực hiện mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản”

Font size : A- A A+

Quán triệt quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 15/12/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đông tín đồ tôn giáo giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội triển khai mô hình Dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản”. Đến nay, Mô hình đã được thu hút sự tham gia nhiệt tình, đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân huyện Bố.

Huyện Bố Trạch có diện tích tự nhiên 2.124 km­­2­; với 25 xã và 03 thị trấn; trong đó có 22 bản dân tộc thiểu số với gần 4.000 dân chiếm 2% dân số toàn huyện. Năm 2022, tổng số hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số là 921 hộ, 4.044 khẩu (Bru Vân kiều: 824 hộ, Chứt: 65 hộ, Mường: 05 hộ, các dân tộc khác: 27 hộ); hộ nghèo 721 hộ (tỷ lệ 78,28%); hộ cận nghèo 70 hộ (tỷ lệ 7,6%).

So với điều kiện chung cùng vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, vùng dân tộc thiểu số Bố Trạch còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà con. Đất đai rộng nhưng chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn, không thuận lợi cho sản xuất. Hệ thống đường giao thông liên bản chưa được kiên cố đang chiếm tỷ lệ cao (7/22 bản); giao thông đi lại thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa lũ; chưa có hệ thống điện lưới (21/22 bản); nước sinh hoạt phục vụ cho đồng bào còn thiếu, nhất là vào mùa khô. Hệ thống các điểm trường còn tạm bợ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Dân cư phân bố rải rác, phân tán; tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp; đồng bào chưa quan tâm đến việc phát triển kinh tế hộ gia đình, vẫn còn ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước; trình độ sản xuất thấp, thiếu ý chí và quyết tâm thoát nghèo ảnh hưởng quá trình phát triển bền vững của vùng.

Từ thực trạng trên, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 22 tháng 6 năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định số 2122-QĐ/HU, phân công các xã, thị trấn giúp đỡ các bản dân tộc thiểu số trong thực hiện Mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản”, trong đó, giao trách nhiệm cho Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn được phân công căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tại các địa phương, địa bàn được phân công để khảo sát, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình.

Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện Mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản”, đã có 22 xã, thị trấn triển khai giúp đỡ 22 bản theo quy trình từ khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu cần thiết của các bản để xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình thực hiện nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn bước đầu đã đồng hành cùng các bản tổ chức sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, vận động con em đến trường, tổ chức các hoạt động văn hóa – xã hội, thể dục thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố hệ thống chính trị...

Đến nay, các địa phương đã tiến hành giúp đỡ các bản với tổng số tiền và quà tặng trên 2,11 tỷ đồng, trong đó có 48 công trình phần việc giá trị hơn 1,9 tỷ giúp các bản làm đường giao thông; sân bóng chuyền; xây dựng các điểm cấp nước; lắp hệ thống điện chiếu sáng; tu sửa, mua sắm, trang trí tại một số điểm trường; làm chuồng trại chăn nuôi; tặng con giống, cây ăn quả... Đội ngũ Báo cáo viên Huyện ủy (Bí thư các xã, thị trấn và một số lãnh đạo các phòng, ban) nhân kỳ họp tại xã Thượng Trạch đã trao tặng giếng khoan trị giá 50.000.000đ cho bản Cà Roòng 2; trồng cây lưu niệm tại nhà văn hóa cộng đồng, tặng quà cho bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch và Tân Trạch.

Mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản” của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và Nhân dân các xã, thị trấn là sự kết nối, gắn liền tình đồng bào với bà con dân tộc thiểu số. Mặc dù mới chỉ là những bước khởi động, nhưng Mô hình đã có những tín hiệu đáng mừng; giờ đây, trên hệ thống loa truyền thanh các thôn, xóm, tiểu khu, những cái tên: Bản Đoòng, Bản Ban, bản Tuộc...không còn xa lạ; việc đóng góp hỗ trợ bà con vùng dân tộc thiểu số là một phần nội dung quan trọng trong các cuộc họp xóm, họp thôn... Các bản xa xôi Tân Trạch, Thượng Trạch, hay Bản Khe Ngát (thị trấn Phong Nha), Rào Con (Thị trấn NT Việt Trung) vốn tĩnh lặng giữa núi đồi hoang vu giờ đây lại là điểm đến nghĩa tình; là địa chỉ quen thuộc trong công tác từ thiện-nhân đạo của bà con miền xuôi.

Có được thành công bước đầu là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân toàn huyện. Việc triển khai mô hình công khai, dân chủ đến toàn dân, dân được biết, được bàn đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, chung tay, góp sức đồng hành của bà con trong các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ các bản dân tộc thiểu số. Các đơn vị có kế hoạch cụ thể, xác định rõ lộ trình và thời gian thực hiện đảm bảo khoa học, có quyết tâm cao trong chỉ đạo và vận động toàn dân thực hiện,vì vậy, các công trình giúp đỡ bản đảm bảo tiến độ đề ra.

Hiện tại Mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản” đang được triển khai tại 22 bản trên địa bàn huyện. Tin tưởng rằng, thời gian tới với sự chỉ đạo quyết liệt, sát thực, những cách làm hay, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là tinh thần giúp sức, “chia ngọt, sẻ bùi” của toàn dân sẽ mang đến những khởi sắc trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bố Trạch./.

Phan Thị Thương Huyền

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch

More