TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 5265

  • Tổng 8.202.746

Ma coong ngày trở lại

Font size : A- A A+
Nằm sâu trong vùng lõi Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ bàng, cùng với tộc người Arem ở xã Tân Trạch thì tộc người Ma Coong xã Thượng Trạch như là một "dấu lặng", là phần "cảm thán" nhất trong sự phát triển đi lên của huyện Bố Trạch.


Mỗi lần băng núi, vượt rừng để lên với đồng bào Ma Coong, khi trở về, nỗi ám ánh về ánh mắt trẻ thơ, về phận người nơi đây luôn khiến tôi day dứt, trăn trỡ...

Ma coong ngày trở lại, đó là câu chuyện trãi nghiệm thật dài, cảm nhận sự đổi thay trong nhận thức của bà con nơi đây trong khoảng thời gian 13 năm khi tôi lần đầu đặt chân lên mảnh đất Thượng Trạch. Chừng ấy thời gian gặp gỡ, dõi theo, hy vọng rồi thất vọng, có lúc tôi những tưởng như vô vọng về sự đổi thay của đồng bào Ma Coong thì cho tới đầu năm 2019, mùa đập trống lần thứ 7 - tôi đã lên đây, hòa mình với tiếng trống thiêng thôi thúc giữa đại ngàn, hòa mình vào đời sống của bà con dân bản, lắng nghe tiếng lòng họ trăn trỡ, tôi chợt nhận ra niềm vui lấp lánh những từ những đổi thay đáng phấn khởi đang len lõi trong nghĩ suy, trong những điều bình dị chân chất mà phải không phải "một sớm một chiều" có thể nhận ra.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch được diễn ra trong đêm trăng tròn đầu tiên của năm. Và tôi cứ mỗi độ ấy, dưới xuôi lòng lại náo nức hướng về. Mùa lễ hội năm 2019 là mùa thứ 7 tôi tham gia Lễ hội đập trống cùng với đồng bào. Mọi người vẫn không hiểu vì sao tôi lại quá mặn mà với Lễ hội dẫu cho những gì cần thiết cho công việc tôi đã nắm rất kỷ. Riêng mình tôi hiểu, tôi có một lời hẹn ước tự trong lòng với một người đàn bà Ma Coong, để cứ mỗi lần lên đây trong biển người thì ánh mắt tôi cứ dáo dác đi tìm, chị ấy là Y Loan năm nay đã 45 tuổi. Chính người đàn bà nhỏ nhắn ấy, chính ánh mắt tinh anh của chị, chính cái tảo tần chịu thương chịu khó của chị, chính những vồn vã chân thành của chị... như một mùi hương quấn quýt trái tim tôi, để cho mỗi mùa Lễ hội tôi lại tìm về chỉ để nhìn thấy ánh mắt đó, ôm choàng vai chị và biết chị vẫn mạnh khỏe, vẫn tảo tần, vẫn cười nụ cười lặng im mà với tôi như sáng bừng một góc Lễ hội.

Căn nhà chị Y Loan nằm chênh vênh trên con dốc cuối bản Cà roong 2, nó cũng nhỏ, cũng giản dị và đơn sơ như những căn nhà sàn nơi đây. Nhà chị ít đồ và bày biện rất ngăn nắp, cũng gian nhà chính giành nơi thờ tự, tiếp khách và cho đàn ông ở, căn nhà phụ giữa nhà có một cái bếp đỏ lữa, nơi để những đồ vật dụng nấu ăn và cũng là chỗ ngủ cho cả nhà vào những ngày đông lạnh. Vì là ngày "Tết" của đồng bào Ma Coong, chị Y Loan lấy một vò xôi bỏ trong một cái au nhỏ đan bằng mây rất xinh và một bát canh gì đấy màu trắng rất lạ. Tôi hỏi thì chị Y Loan bảo là đọt mây nấu với nước khe đấy, ăn thử xem có ngon không? Tôi đã được ăn xôi của đồng bào mời với thịt rừng, cá khe nhưng món canh này thì lần đầu tiên được biết. Đọt mây trắng nấu nhừ chỉ nêm hạt muối nhưng ăn vào vừa đắng nhẫn, vừa ngọt bùi lạ rất vừa miệng. Những thứ chị mời rất xinh xắn, đẹp mắt và tôi ăn ngon lành, nó không giống những thứ tôi đã thấy của đồng bào mình ở đây...

Bên ánh sáng mờ mờ được hắt ra từ bếp lữa giữa nhà, trong tiếng trống lễ hội thùng thùng vang vọng lại, chị Y Loan lần đầu tiên kể về cuộc sống gia đình chị cho tôi nghe, có lẽ mấy lon bia lúc uống dưới quán làm cho sự ngại ngần trong lòng chị tan ra trước sự háo hức của tôi. Giọng chị đều đều xúc động: Anh và chị cưới nhau lâu lắm rồi và chị cũng không nhớ rõ năm, chỉ nhớ là lúc ấy cả hai trẻ lắm, trẻ như bông hoa rừng mới nhú. Vì gia đình anh rất nghèo, anh hiền lành nên chị thương anh. Ngày cưới xong anh không có được một chiếc áo lành lặn để mang mà chỉ có một chiếc áo rách, chị nhớ lại và lặng im không nói, có lẽ những ký ức về những năm tháng xa xưa đang trở về... Hai vợ chồng ở riêng và tần tảo lên rừng, xuống suối kiếm cái ăn như đồng bào Ma coong mình. 3 đưa con trai lần lượt ra đời, khó khăn vất vả nhưng chị động viên con đi học cái chữ, rồi xã có chỉ tiêu đi nghĩa vụ quân sự, chị động viên thằng lớn nhập ngũ, rồi ra quân học trường cao đẳng gì đấy nhưng sau đó lại rẽ ngang lấy vợ, chị đã rất buồn vì điều đó. Rồi đứa thứ 2, thứ 3 cũng học xong cấp 2. Hỏi chị sao không hướng cho 2 đứa học lên để có một công việc ổn định, đỡ vất vả, chị bảo chúng học không tốt có ép chúng nó rồi cũng dỡ dang, lãng phí tiền bạc, mất thời gian, nên tốt nhất là sau khi học hết cấp 2 nó tự quyết định cuộc đời của nó, bố mẹ cũng chỉ hướng dẫn con nhưng để làm tốt thì nó phải là người quyết định. Tôi thực sự cảm thấy rất đồng tình với suy nghĩ này của chị, ngay cả bố mẹ người kinh đôi khi cũng không biết nên như thế nào mới tốt cho con thì suy nghĩ này của chị Y Loan rõ ràng rất tiến bộ, đáng học hỏi. Tôi lại tò mò muốn biết làm thế nào mà chồng chị lại chịu thương chịu khó cùng chị "kiếm ăn" và không say sưa rượu chè như phần lớn đàn ông Ma coong vẫn thế. Chị cũng vẫn cười nhưng sắc mặt chợt buồn gợn chút xa xăm. Chị nói rằng với người Ma coong, sinh ra phận đàn bà là khổ đủ đường với tập tục nơi đây. Đàn bà dường như gánh vác những công việc trụ cột trong nhà và đàn ông có nhiều đặc quyền, kể cả việc kiếm ăn nuôi con, lấy nhiều vợ và đánh vợ. Để có được như ngày hôm nay, chị Y Loan cũng đã biết bao lần cam chịu những cơn say của anh, những trận đòn cay đắng. Chị ngậm ngùi: Lúc ấy vì con còn nhỏ không thể để con không ai chăm, chị cố gắng chịu đựng. Cái chính là chị thấy rượu đã tàn phá sức khỏe của đàn ông Ma coong, biết bao người đã bệnh tật, điên loạn, chết sớm cũng vì thứ rượu được mang từ dưới xuôi lên đây. Chị kể năm 2017, lần ấy anh đánh chị trong cơn say rượu, chị suy nghĩ mãi và quyết định lần này sẽ bỏ về nhà mẹ. Nếu như anh không hối lỗi đến chuộc chị, không thay đổi bỏ rượu, thì chị sẽ ly hôn. Nghĩ là làm, chị dặn dò thằng Đinh Phương, con trai Út của chị lúc này đang học lớp 8 tại Trường Dân tộc nội trú về kế hoạch của chị và chị khăn gói rời nhà. Chồng chị Y Loan lúc đầu cũng chỉ nghĩ chị giận dỗi bỏ về, nhưng sau mấy lần nhờ các con nhắn nhủ mà chị vẫn không về, có lẽ anh chột dạ. Hai đứa đầu đã có gia đình thì cũng không ảnh hưởng gì đến chị lắm, nhưng thằng út Đinh Phương có vẻ rất muốn mẹ trở về nhà.  Lần này chị nhắn gửi con, nếu bố muốn mẹ về phải chuộc vợ theo phong tục, số tiền chị cần chuộc là 2,5 triệu đồng và phải hứa bỏ rượu, không được đánh chị nữa. Chị Y Loan kể: nói số tiền ấy nhưng trong lòng chị vẫn nhẫm tính là bố con sẽ khó kiếm đủ chừng ấy tiền, phải khó khăn thế để chồng còn biết trân trọng mình. Và đúng như chị nghị, anh đã không đem đúng tiền chị thach chuộc, nhưng lần này chị trở về nhà với niềm tin là anh sẽ thay đổi như chị mong muốn. Và thật vui là chồng chị Y Loan thay đổi hẳn từ dạo đó đến giờ và vợ chồng chị sinh them một đứa con gái. Chị Y Loan đặt tên con gái là Đinh Quỳnh Hương, cái tên rất kiêu sa, mỹ miều và rất xuôi. Chị Y Loan vui vẻ nói, mình có con gái rồi, mình vui lắm, mình sẽ nuôi dạy nó để nó không phải khổ như mình, như phụ nữ Ma Coong. Tôi đùa là chị sẽ có tiền cưới trên 30 triệu còn gì. Chị đanh mặt nói dỏng dạc: con gái của mình, mình không cần chừng đó tiền cưới đâu, nếu chúng nó lớn rồi yêu nhau, mình có của sẽ cho con hết, để chúng nó có vốn làm ăn và không phải như bố mẹ nó khi bắt đầu lập gia đình. Tôi nhìn chị Y Loan, dưới ánh lữa bập bùng trên căn căn nhà sàn hôm ấy, trong tiếng trống lễ hội đập trống chưa vỡ, tôi cảm thấy đồng cảm quá với người đàn bà Ma Coong này. Hẳn chị đã trăn trở, đã thao thức, đã nghĩ suy nhiều về cuộc sống của chính mình, của những người phụ nữ sinh ra và lớn lên nơi heo hút đại ngàn rừng núi này. Tại sao họ lại không thể được sống như cuộc đời mình muốn, rộng mở, thênh thang như gió, như mây, như con suối Aky muôn đời vẫn chảy về xuôi mang theo bao nỗi niềm nhắn nhủ. Và trái tim của tôi thật lạ lùng, nó reo vui, nó hớn hở hít căng màn sương đêm bắt đầu ngái ngủ. Ngoài kia trăng 16 đã ngã về đằng tây, tiếng gà gáy sang canh làm tôi như tỉnh táo. Cuộc hẹn hò với thầy giáo Đinh Miệt từ đầu giờ chiều thế là đành gác lại cho sáng ngày sau.

 Khi màn sương còn ngái ngủ mơn man trên ngọn cây Bằng Lăng cao chót vót đứng uy nghiêm đầu bản Cà Roong 2 thì cũng là lúc tiếng chuông báo thức tôi cài cặt rung lên. Sáng nay, tôi sẽ theo chân thầy giáo Đinh Miệt lại chỗ khoảng sân hôm qua diễn ra lễ hội đập trống. Ở đây ngay khi ngay mới bắt đầu sẽ có một lễ cúng tạ ơn trời đất đêm qua trống đã được đánh vỡ - vì đó là điềm lành. Có thức dậy lúc sáng sớm mới thấy được vẻ đẹp trầm mặc, uy nghiêm và hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn và sau một đêm hân  hoan bản làng bình yên một cách tuyệt đối, mọi hoạt động của đời sống hình như phút chốc  bị tạm dừng, chỉ có bước chân khẽ khàng của chủ đất Đinh Xon, thầy giáo Đinh Miệt và tôi lặng lẽ bươc tới bải đất trống. Lễ cúng sáng rất giản dị và chúng tôi trở về nơi căn nhà của thầy Đinh Miệt – nhân vật tiếp theo của tôi.

Sinh năm 1986, có thể nói Đinh Miệt là đứa con ưu tú của tộc người Ma Coong xã Thượng Trạch. Sinh ra và lớn lên giữa 4 bề núi rừng, các thế hệ đi trước của người Ma Coong chưa có ai học hết cấp 3. Với ước mơ cháy bỏng được làm thầy giáo dạy dỗ chính con em đồng bào mình, học xong cấp 3, Đinh Miệt là sinh viên cử tuyển Đại học khoa học Huế - Khoa Vật Lý vào năm 2005 và năm 2006, em chuyển sang học Khoa Giáo dục chính trị. Khoảng thời gian học tập của chàng trai Ma Coong trên đất Cố đô là cả một chặng đường dài nỗ lực, vượt qua biết bao khó khăn có những lúc tưởng chừng như vì hoàn cảnh gia đình mà bỏ cuộc. Đinh Miệt đã có nhiều thành tích xuất sắc, được nhà trường tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong suốt 4 năm học đại học. Tháng 8/2011, em ra trường và chính thức trở thành người thầy giáo dân tộc Ma Coong đầu tiên giảng dạy tại Trường PTDTNT huyện Bố Trạch đóng tại xã Thượng Trạch. Thời gian thoi đưa, đã 8 mùa khai trường đi qua, thầy giáo Đinh Miệt đã gắn bó với công tác trồng người, thực hiện được niềm ước ao của bản thân, của giòng họ mình.

Trong căn nhà sàn khang trang còn thơm mùi gỗ vừa mới hoàn thành giữa năm 2018, thầy giáo Đinh Miệt vui mừng tâm sự: để hoàn thành được căn nhà này, vợ chồng em biết ơn thầy hiệu trưởng Nguyễn Trường Thọ và tập thể giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú rất nhiều. Nếu không có thầy hiệu trưởng và tập thể nhà trường động viên, khích lệ và tạo mọi điều kiện, chắc còn lâu em mới được an cư. Tôi hỏi em về chuyện dạy học, chuyện vợ chồng, chuyện cuộc sống của đồng bào Ma Coong từ khi em trở về, Đinh Miệt trầm ngâm suy tư rất lâu, có lẽ năm tháng lăn lộn với cuộc sống đời thường, với bộn bề mưu sinh cơm áo gạo tiền đã giúp em trưởng thành nhiều, suy nghĩ thấu đáo sâu sắc hơn. Em nói với tôi về vai trò người đàn ông "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", muốn làm được việc to tát phải bắt đầu từ việc nhỏ, mà việc nhỏ ở đây từ chính chăm lo cho con cái, gia đình mình trọn vẹn. Làm chồng phải là trụ cột trong gia đình mới có thể bảo vợ, dạy con. Với công việc thì tận tụy hết mình, với bà con lối xóm thì hòa đồng vui vẻ. Đối với học sinh nơi đây, thầy giáo Đinh Miệt là tấm gương để các thế hệ con em Ma Coong luôn nhìn theo và nỗ lực cố gắng trong học tập, để bớt đói khổ, để được yêu thương. Đối với gia tộc, với đồng bào Ma Coong, trách nhiệm sự kế thừa những giá trị lưu truyền trong dòng tộc của gia đình chủ đất về Lễ hội đập trống, Đinh Miệt như là một sự lựa chọn của người cha - chủ đất Đinh Xon. Chính vì thế ngay từ bây giờ, Đinh Miệt đã có ý thức tìm lại một cách chi tiết, bài bản những bài cúng giàng, những lễ vật và cách thức điều hành duy trì lễ hội đập trống của tộc người Ma Coong một cách đầy đủ, trang nghiêm. Và một mong muốn của người thầy giáo này đó chính là tìm hiểu và ghi chép lại lịch sử của đồng bào Ma Coong trên mãnh đất này. Khoảng lặng nhất trong câu chuyện với thầy giáo Đinh Miệt mà tôi linh cảm thấy, đó là nổi buồn về những điều tai thấy, mắt nghe trong cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Thầy nói rất xa xôi: người Ma Coong vốn đã bằng an với cuộc sống của mình, giờ nhìn những thứ trắng đen không rõ ràng của thời cuộc, họ mặc nhiên phớt lờ và cái tốt không được khích lệ, cái xấu không bị lên án. Điều này sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của những người tốt muốn đồng bào Ma Coong ngày càng phát triển.

Tôi đã lặng đi trong giây lát về những cảm nhận tinh tế được diễn đạt một cách khéo léo của thầy giáo Đinh Miệt. Cảm giác vừa vui, vừa buồn đan xen nhau. Buồn vì những điều thầy giáo nói là có thật và nó diễn ra trong bất cứ đời sống xã hội nào, vui là vì lần đầu tiên tôi được nghe một người Ma Coong trăn trỡ trước những vấn đề lớn. Và sâu hơn, khi con người ta suy ngẫm về những điều diễn ra xung quanh mình, đặt câu hỏi và truy tìm nguyên nhân của vấn đề, khi ấy chính họ đã không bàng quan mà thực sự có trách nhiệm với cuộc sống của chính họ. Và với thầy giáo Đinh Miệt, thầy đã đặt ra những câu hỏi lớn cho tộc người Ma Coong của mình trong tiến trình phát triển tất yếu của con người. Tôi gọi đó là niềm hy vọng của sự đổi thay phấn khởi mà suốt bao năm qua tôi tìm kiếm và đã dường như có lúc muốn quên đi...

Tôi là người lạc quan, luôn có niềm tin vào con người, vào những điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại trong mọi hoàn cảnh của đời sống vốn dĩ không bao giờ là dể dàng. Sự nỗ lực của thầy giáo Đinh Miệt, tấm gương về thầy tôi đã nhìn thấy lấp ló trong bóng dáng của cô gái nhỏ Y Thơm - Liên đội trưởng - học sinh lớp 9 Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Cuộc gặp gỡ với cô gái Ma Coong Y Thơm diễn ra vào một ngày đầu thu. Hôm ấy trời Ma Coong xanh lắm, xanh như ánh mắt Y Thơm lần đầu chạm vào tôi. Cô gái nhỏ xinh quá, nụ cười em rạng rỡ, ánh mắt tinh anh long lanh với mái tóc đen dài và phong thái hồn nhiên tự tin khiến người đối diện như được truyền thêm nguồn năng lượng tươi mới. Câu chuyện của chúng tôi có cảm giác như không phải là mới lần đầu gặp gỡ. Rõ ràng, đây là một điều vượt xa sự tưởng tượng của tôi khi tiếp xúc với đồng bào chứ chưa nói đến một đứa trẻ. Chúng tôi nói câu chuyện có trao đổi hỏi qua hỏi lại, không phải là cách tôi đặt câu hỏi để Y Thơm trả lời. Y Thơm hỏi về nghề nghiệp của tôi, nơi tôi công tác, hỏi về những ước mơ của những người bạn dưới xuôi. Ánh mắt Thơm lấp lánh khi tôi hỏi về ước mơ của em, em nói rằng sau này em muốn trở thành cô giáo dạy trẻ em Ma Coong như thầy Đinh Miệt. Và Y Thơm cũng nói rằng, thầy là tấm gương cho chúng em noi theo. Tuy nhiên khi tôi hỏi về nhận xét của Thơm về các bạn cùng lớp, cùng trường, Y Thơm rất buồn vì một số bạn vẫn còn nghỉ học để các thầy cô phải vất vã đi tìm hết lần này đến lần khác. Tôi hỏi Thơm với trách nhiệm của một Liên đội trưởng, trách nhiệm của một người bạn, em có khuyên nhủ, nói chuyện với các bạn ấy không? Thơm bảo rằng em cũng tìm gặp các bạn hỏi nguyên nhân, các bạn ấy nói rằng học mà không để làm việc thì không cần học. Rồi em nói sao với các bạn khi được trả lời như vây - tôi hỏi? Thơm nói rằng, em nói với các bạn là học không chỉ để có công việc, học trước hết là cho mình, mình hiểu để sống cho tốt. Tôi ngạc nhiên, em nói thế thật à? dạ vâng, em nói thế nhưng các bạn ấy không nghe, các bạn có người yêu rồi nên các bạn ấy muốn bỏ học để lấy chồng đấy. Con gái Ma Coong Lấy chồng sớm, có bạn mới hết lớp 7 đã lấy chồng, lấy chồng rồi khổ lắm, Thơm sẽ quyết tâm về Đồng Hới học cấp 3 ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh và sẽ thi đại học, sẽ làm cô giáo dạy cái chữ cho những đứa trẻ Ma Coong như thầy giáo Đinh Miệt... Tôi cứ mơ màng nhìn qua kẽ lá, ánh nắng lấp lánh như ánh mắt của cô gái Ma Coong đáng yêu này. Tưởng tượng về ngày Y Thơm làm cô giáo bản, hẳn lúc đó lớp học sẽ rộn ràng hơn với lao xao tiếng nói cười thơ trẻ giữa bạt ngàn núi rừng Trường Sơn hùng vĩ mà nên thơ đến lạ. Và tôi nghĩ tới câu nói của ai đó, chỉ có sự tưởng tượng mới đưa ta đến đích sớm nhất là đúng thật. Nhưng chỉ có hành động mới đưa ta đến đích một cách thực tế nhất. Còn tôi lúc này yêu luôn cả sự tưởng tượng cũng như những quyết tâm của của cô gái nhỏ Y Thơm.

Ma Coong ngày trở lại lần này của tôi so với 13 năm trước, diện mạo về một xã miền núi heo hút gập ghềnh trắc trở, thiếu thốn đủ thứ nay đã không còn nhờ con Đường 20 huyền thoại đã thông thương nối liền giao thương buôn bán từ miền xuôi lên miền ngược. Điện, đường, trường, trạm đã được Đảng nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ. Đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân xã Thượng Trạch đã được cải thiện muôn phần. Bản Cà roong đã đạt chuẩn Làng văn hóa cấp huyện và đặc biệt là giáo dục xã rẻo cao Thượng Trạch đã có những bước tiến đáng kể. Nếu như năm 2006, học sinh cấp 2 của xã chỉ có 80 em thì đến năm học 2009 - 2020 này đã là 300 em học sinh.

Và tin vui cho đồng bào Ma Coong, mới đây thôi Bộ Văn hóa Thông tin - Thể thao đã có Quyết định công nhận Lễ hội đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch là Di sản văn hóa phi vật thể cấp... Khi gặp gỡ ông chủ đất Đinh Xon, tôi đã chúc mừng ông, chúc mừng người Ma Coong về sự kiện này, ông Đinh Xon cười tươi nói rằng: Ông mong muốn Lễ hội đập trống của tộc người Ma Coong sẽ được nhiều người hơn nữa biết đến với sự tươm tất hơn, đủ đầy hơn những Lễ hội đã được diễn ra. Tôi hiểu những mong muốn ấy của chủ đất Đinh Xon là chính đáng, bởi hơn ai hết ông chính là người giữ phần hồn, phần tâm linh để người ma Coong cứ mỗi mùa xuân đến lại được vững vàng hơn bởi niềm tin có Giàng phù hộ cho sức khỏe, cho mùa màng bội thu, cho gia đình người Ma Coong được bình yên hạnh phúc. Và chúng ta cũng tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống như một món quà kỳ diệu nhất đầy bí ẩn của tạo hóa mang lại./.

Phan Tứ

Đài TT –TH Bố Trạch

More