TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 3602

  • Tổng 8.167.976

Sức xuân từ công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Tây Trạch

Font size : A- A A+

Năm 2017, quả là một năm đáng nhớ của Đảng bộ và nhân dân xã Tây Trạch. Vừa mới gồng mình đứng dậy sau những thiệt hại của cơn bão năm 2013, năm 2017, một lần nữa, Tây Trạch lại tiếp tục hứng chịu hậu quả nặng nề do cơn bão số 10 để lại. Và cũng chính từ trong những khó khăn đó, người dân Tây Trạch đã đoàn kết một lòng để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình. Đây hứa hẹn là niềm tin, là động lực tiếp thêm nguồn sức mạnh để Tây Trạch vươn mình trở thành xã khá giàu của huyện.

 

Là xã thuộc vùng gò đồi, có địa hình tương đối phức tạp, đời sống nhân dân còn ở mức thấp. Do vậy, ngay từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tây Trạch đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân hiểu được quan điểm, mục tiêu, nội dung, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hình thức như hội nghị, họp dân, hệ thống loa truyền thanh, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và trách nhiệm của từng thành viên, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, việc triển khai gặp khá nhiều thuận lợi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Trong giai đoạn từ 2012 đến 2017, tổng kinh phí thực hiện đạt gần 35 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 6,5 tỷ đồng, chiếm trên 18%. Điều này cho thấy niềm tin và sự kỳ vọng của người dân về những đổi thay từ công cuộc xây dựng nông thôn mới ở quê hương là rất lớn.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chính sự đồng thuận của người dân là động lực tiếp thêm nguồn sức mạnh để Đảng bộ và chính quyền xã Tây Trạch đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Xác định vùng gò đồi vừa là khó khăn nhưng cũng vừa là thuận lợi, xã Tây Trạch đã chủ trương phát triển kinh tế trang trại, gia trại, trong đó lấy cây cao su là mũi nhọn trong việc đột phá về kinh tế. Thực tế những năm gần đây, sự phát triển của cây cao su gặp không ít khó khăn do giá cả thị trường và đặc biệt là thời tiết. Song không thể phủ nhận những hiệu quả mà cây cao su mang lại cho người dân Tây Trạch. Bên cạnh đó, UBND xã cũng khuyến khích đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi các diện tích lúa và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác đạt năng suất cao, bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Hỗ trợ vay vốn sản xuất để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, phát triển trang trại chăn nuôi tập trung. Phát triển mô hình trang trại chuyên canh hoặc tổng hợp với số lượng tổng đàn lớn, trên cơ sở chuyển dần và xóa bỏ những mô hình chăn nuôi nhỏ lẽ. Bố trí các khu dân cư mới kết hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp để tạo điều kiện phát triển các nghề như vật liệu xây dựng, mộc dân dụng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm mới cho người dân trên địa bàn.

Để hỗ trợ kinh tế phát triển và phục vụ dân sinh, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu là một trọng những nhiệm vụ then chốt được Tây Trạch quan tâm, chú trọng. Trong 5 năm, Tây Trạch đã xây dựng bê tông hóa và nhựa hóa gần 22km đường giao thông nông thôn, cứng hóa đường trục chính nội đồng trên 25km, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, cũng như vận chuyển, tập kết các loại vật tư, vật liệu kiến thiết công trình hộ gia đình, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch. Trong phong trào “Thắp sáng đường quê”, UBND xã phối hợp với UBMT, các đoàn thể xây dựng đề án phát động đến mỗi hội viên, đoàn viên đóng góp xây dựng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Trong số 19 tiêu chí thì tiêu chí số 5 về trường học, được xác định là khó thực hiện nhất. Tại thời điểm khảo sát, đánh giá thực trạng, mới chỉ có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhiệm vụ chủ yếu là phấn đấu xây dựng Trường mầm non và Trường THCS đạt chuẩn. Từ đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã lập kế hoạch, chỉ đạo thi công nhà lớp học và phòng chức năng, xây dựng một số hạng mục phụ cận theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đến nay, đã xây dựng mới 3 dãy nhà 2 tầng 18 phòng học, cùng một số công trình phụ, nhà chức năng cho 3 cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở. Bên cạnh đó, đã tiến hành xây mới nhà hội trường và phòng làm việc của Đảng, Chính quyền xã; các hạng mục Trạm y tế được nâng cấp, tu sửa. Công tác cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực. Cán bộ, đảng viên đã nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc, quy chế văn hóa ở nơi công sở. Thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để ngày càng đạt chuẩn về chuyên môn. Các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự, an ninh nông thôn, đội an ninh xung kích, tổ an ninh nhân dân đã phát huy vai trò trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, góp phần tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Có thể khẳng định, thông qua xây dựng nông thôn mới, một trong những thành công ngoài sức mong đợi là công tác xóa đói giảm nghèo. Từ những chính sách dành cho người nghèo, UBND xã đã tìm các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, từ đó giúp người dân thoát nghèo bền vững. Đến nay, hộ nghèo toàn xã giảm xuống chỉ còn 2,97%; Nếu như thu nhập năm 2012, chỉ là 14,5 triệu đồng/ người/năm thì đến cuối năm 2017 thu nhập bình quân đạt trên 27 triều đồng/người/năm, tăng gần gấp đối so với khi bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới.

 

Những ngày đầu xuân, Tây Trạch dường như đã thay cho mình một bộ áo mới khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Trên những con đường, khi ánh bình minh bắt đầu xuyên qua những cánh rừng cao su, từng dòng người đang tấp nập đi chợ xuân. Một diện mạo mới, một sức sống mới đang tràn ngập trên quê hương Tây Trạch.

Thành Vinh

Đài TT-TH Bố Trạch

 

More