TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 15

  • Hôm nay 2418

  • Tổng 8.166.788

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Font size : A- A A+

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Bố Trạch đã chủ trương phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đến nay, chương trình đã thực sự phát huy hiệu quả. Đây cũng được xem là hướng đi quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, đổi thay bộ mặt nông thôn.

 

Mô hình rau sạch An Nông đã phát huy được hiệu quả và dần khẳng định thương hiệu trên thị trường

Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi thủy sản giai đoạn 2016 - 2020, Đề án chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 4620 ngày 21/8/2017 về danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, đã tổ chức tiến hành nghiệm thu và giải ngân đối với Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và Đề án chăn nuôi gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ giá cho công tác giống hơn 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ đối tượng cây trồng tiềm năng hơn 100 triệu đồng, hỗ trợ Đề án chăn nuôi gần 150 triệu đồng. Thông qua sự hỗ trợ của Đề án, nhiều mô hình hay đã phát huy hiệu quả và có sự lan tỏa như mô hình cây dược liệu, trồng nấm, chăn nuôi dê, thỏ, chim cút sinh sản… Quan trọng hơn, Bố Trạch bước đầu xây dựng được một số nhãn hiệu nông sản có uy tín.

Mô hình trồng rau sạch của vợ chồng anh Lê Đình Quả và chị Nguyễn Thị Thanh Thủy ở thôn Kéc xã Hoà Trạch là một ví dục điển hình. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, cộng thêm kinh nghiệm 10 năm trong nghề, anh chị đã đi khắp nơi, tìm những giống rau tốt có khả năng thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của Quảng Bình. Trong đó, các giống rau chính là cải, xà lách, rau muống, mồng tơi cùng một số loại quả như cà chua, mướp đăng, dưa chuột, bầu, bí… Điều đặc biệt là vườn rau của gia đình anh chị không sử dụng thuốc hóa học, mà thay vào đó chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón. Đến nay, mô hình rau sạch của gia đình anh Quả và chị Thủy đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, được người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh biết đến và hỏi mua. Đây là mô hình rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGap đầu tiên trên địa bàn huyện. Với mô hình này, vợ chồng anh chị đã mở ra một hướng làm giàu mới cho người dân tại các xã vùng đồi của huyện Bố Trạch.

Từ nguồn vốn phát triển sản xuất của chương trình nông thôn mới, huyện đã phân bổ vốn cho các xã với tổng số vốn 2 tỷ đồng. Giao cho Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện chủ trì, làm việc với từng địa phương lập phương án xây dựng mô hình với phương châm ”hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương”. Tới nay, đã có 27/28 xã đã thẩm định phê duyệt mô hình phát triển sản xuất.

Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Bố Trạch cũng đã chỉ đạo hoàn thành gieo trồng vụ Đông xuân, trong đó, công tác chỉ đạo sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác được các xã chú trọng. Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất mới gắn với tiêu thụ sản phẩm đang được triển khai. Trong đó, mô hình trồng dứa Queen quy mô 2 ha tại xã Hòa Trạch, mô hình trồng cây cà gai leo quy mô 2,6 ha tại xã Sơn Lộc, mô hình trồng bưởi da xanh quy mô 1 ha tại xã Vạn Trạch, hay mô hình trồng gỗ lớn bằng keo nuôi cấy mô tại xã Liên Trạch được xem là hướng đi mới, hứa hẹn sẽ phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Để có thể đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thời gian qua, huyện Bố Trạch cũng đã chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2017 đến nay, đã mở được 12 lớp với 384 học viên tham gia học các nghề như: May mặc, chế biến món ăn, nuôi ong, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, nuôi cá nước ngọt… với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Các học viên sau khi tốt nghiệp đã áp dụng thành thạo các kiến thức được học vào việc phát triển sản xuất.

Sau những khởi đầu có phần thận trọng, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân một cách hiệu quả và bền vững. Trong đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực. Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng phát triển cây, con có thế mạnh chủ lực của địa phương gắn với thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm, có 18/28 xã đạt tiêu chí về thu nhập. Cùng với đó, thực hiện tốt các chương trình về việc làm đối với lao động trong độ tuổi. Thu hút các doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn nông thôn để tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn để thực hiện chuyển đổi cơ cấu lao động có hiệu quả. Phấn đấu đến cuối năm 2018, có 25/28 xã đạt tiêu chí về lao động. Ngoài ra tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã trong nông nghiệp, nông thôn. Củng cố và nâng cao hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển. Hoàn thiện, phát triển và nhân rộng các mô hình mẫu phát triển sản xuất, các mô hình liên kết sản xuất mới có hiệu quả trên địa bàn, phấn đấu có 75% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bố Trạch cho biết: “Mặc dù gặp không ít khó khăn do yếu tố khách quan lẫn chủ quan trong quá trình thực hiện. Song, đến thời điểm này, có thể khẳng định việc gắn phát triển sản xuất với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là bước đi đúng hướng trong trong gia đoạn công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Đây là cơ sở đê góp phần đổi mới tư duy sản xuất, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện”.

Thành Vinh

Đài TT-TH Bố Trạch

 

More