TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 1387

  • Tổng 8.210.480

“Mẹ hiền” của trẻ em vùng cao

Font size : A- A A+
 “Tôi không sợ cái khó, cái khổ, tôi chỉ mong được đóng góp công sức của mình giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa biết được cái chữ, hy vọng cuộc sống của các em sau này sẽ đỡ vất vả hơn”, đó chính là những lời tâm sự xuất phát từ đáy lòng của thầy giáo Nguyễn Văn Cường khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề giáo viên mầm non.

 

Các trẻ mầm non rất hào hứng khi được múa, hát cùng với thầy Cường

Sinh ra ở một vùng quê nghèo nằm phía Tây của huyện Bố Trạch, Nguyễn Văn Cường ở thôn Phúc Khê xã Phúc Trạch đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc học để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Sau khi học xong Cấp 3 Cường đã thi đỗ vào khoa Sư phạm Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Và rồi sau 2 tháng học tập tại Trường, Nguyễn Văn Cường đã có một quyết định bất ngờ đó là chuyển sang học ngành Sư phạm mầm non. “Khi tôi quyết định chuyển sang học ngành sư phạm mầm non thì gia đình, rồi bạn bè bảo tại sao nam giới mà lại đi học ngành này, giáo viên mầm non chỉ hợp với nữ giới thôi, rồi có người còn dị nghị nói tôi là bị hâm, bê đê. Nhưng bản thân tôi suy nghĩ, ở nhiều xã miền núi điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện đi lại còn rất khó khăn, rồi chuyện giáo viên nữ lên cắm bản sẽ rất vất vả, bất tiện và chịu thiệt thòi nhiều thứ, đặc biệt là chuyện gia đình. Vì vậy, tôi đã cố gắng vượt qua mọi sự dị nghị, để nỗ lực học tập, thực hiện ước mơ của mình”, thầy Cường chia sẻ.

 

Con suối mà thầy Cường vẫn ngày ngày phải băng qua khi đến với điểm Trường Bản Bụt

Như một cơ duyên, sau khi ra trường với tấm bằng Trung cấp Sư phạm mầm non, Cường đã thi và trúng tuyển Viên chức Trường mầm non Tân - Thượng Trạch, được phân công lên giảng dạy tại điểm Trường Bản Bụt. Hành trình lên với Bản Bụt là một chuyến hành trình dài đầy gian nan, thử thách, đôi khi nếu không may mắn sẽ phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Thầy Nguyễn Văn Cường tâm sự: “Để đến với điểm Trường Bản Bụt, hàng ngày tôi phải đi qua một dòng suối mà mùa nắng nếu đi cũng đã khó, còn mùa mưa thì cực kỳ nguy hiểm. Có một lần khi tôi lội ra đến giữa dòng suối thì nước trên nguồn bỗng ập về cuốn tôi ra xa. Lần đó cũng rất may mắn tôi được bà con dân bản phát hiện kịp thời nên đã lao ra cứu tôi vào bờ an toàn”.

 

Một buổi học tại điểm Trường bản Chăm Pu

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, con đường mới vào Bản Bụt cũng được đầu tư hoàn thiện, nhờ đó việc đi lại cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Bước sang năm học 2019 – 2020 được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Trường mầm non Tân - Thượng Trạch mở một Điểm trường tại Bản Chăm Pu. Với niềm đam mê cháy bỏng với nghề nuôi dạy trẻ, sau 2 năm gắn bó với điểm trường Bản Bụt, thầy Nguyễn Văn Cường đã quyết định xin nhường suất dạy học ở nơi có điều kiện thuận lợi hơn cho một giáo viên nữ để tiếp tục tình nguyện lên với các em mầm non ở Bản Chăm Pu. Cũng giống như Bản Bụt trước đây, Bản Chăm Pu nằm hoàn toàn biệt lập, toàn Bản có 35 hộ, với 156 nhân khẩu, trong đó có 15 em đang độ tuổi mầm non. Với những kinh nghiệm đã tích lũy được, khi lên với Bản Chăm Pu công việc đầu tiên của thầy Nguyễn Văn Cường là cùng với chính quyền địa phương và những người có uy tín trong Bản đi tuyên truyền, vận động bà con đưa con em đến lớp. Dẫu rằng để thay đổi cách suy nghĩ của bà con là rất khó, nhưng rồi với sự kiên trì và bằng tình cảm chân thành của một người thầy, bà con dân bản cũng đã dần hiểu được và đồng tình, ủng hộ. Trong lúc điều kiện ngân sách của địa phương còn khó khăn chưa xây được điểm Trường, người dân Bản Bụt đã tự nguyện nhường lại một ngôi nhà để làm nơi dạy dỗ cho trẻ và một ngôi nhà nữa để cho thầy có chỗ ở, chỗ sinh hoạt. Ông Định Đắc - Bí thư Chi bộ Bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch tâm sự: “Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã mở Điểm trường mầm non tại Bản. Khi thầy Cường lên với bà con dân bản, thầy rất hòa đồng với mọi người. Ngoài việc dạy chữ cho các em học sinh, thì những lúc bà con dân bản ai có việc gì cần nhờ thầy thì thầy cũng đều nhiệt tình giúp đỡ, vì vậy bà con dân bản ai cũng rất thương, rất quý thầy Cường”.

 

Thầy Cường đang cho các trẻ mầm non ăn trưa

Nói đến phái mạnh theo ngành mầm non, nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi nó đòi hỏi sự chịu khó, khéo léo... Nhưng với thầy Cường đó là lựa chọn đúng đắn và không quá đặc biệt. Điểm trường Bản Bụt không tổ chức cho học sinh học bán trú, tuy nhiên mỗi khi đến mùa làm nương, làm rẫy các bậc phụ huynh lại đưa con đến để nhờ thầy chăm sóc. Yêu thích công việc, nên thầy luôn dành trọn tình yêu thương để làm mọi điều dành cho các bé. Từ việc tập tết tóc, việc hỗ trợ trẻ ăn, dạy bảo trẻ, rồi lo cho các em có được giấc ngủ ngon... Chị Y Sự - Bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch tâm sự: “Tôi có 2 đứa con học với thầy Cường. Thầy dạy cho con tôi học, rồi chăm sóc cho con tôi rất chu đáo. Thầy Cường như là người ba, người mẹ thứ hai của các con tôi”.

Như một cái duyên với trẻ em dân tộc thiểu số, thầy Cường hiểu hơn ai hết cần thay đổi tư duy để trẻ em vùng cao được đi học nhiều hơn, học cao hơn thay vì chỉ biết chữ rồi đi nương rẫy. Chỉ có cái chữ mới giúp đồng bào nâng cao được nhận thức, thay đổi những thói quen, hủ tục lạc hậu, mới có cơ hội thoát được khỏi cái nghèo. Và cũng chính bằng niềm tin đó mà thầy đều vượt qua những nỗi khó khăn, vất vả, để mỗi ngày được dạy dỗ những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, để được nghe các em nói, các em đọc, các em múa, các em hát, các em cười và thậm chí là những lúc các em khóc.

 

Thầy Cường đang tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc đưa con em mình tới lớp

Bằng tinh thần nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ và những cống hiến không biết mệt mỏi, năm nào thầy Nguyễn Văn Cường cũng được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và tháng 9/2020 thầy đã vinh dự được tham gia lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng. Đây chính là niềm khích lệ, là cơ sở để thầy Cường tiếp tục rèn luyện, phấn đấu xứng đáng là người Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Võ Hải Quân - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch cho biết: “Đối với giáo dục mầm non có được một thầy giáo đó là điều hết sức đáng quý. Thầy giáo Nguyễn Văn Cường là một người có năng lực chuyên môn, có trách nhiệm cao trong công việc và có những đóng góp lớn cho giáo dục mầm non ở địa bàn rẻo cao, biên giới Tân – Thượng Trạch. Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới thầy Cường sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm, tăng cường rèn luyện để tiếp tục cùng với ngành giáo dục huyện nhà góp phần nâng cao chất lượng của giáo dục vùng cao”.

 

Thầy Nguyễn Văn Cường đang dỗ dành khi các trẻ khóc

Gần 5 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, với sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo của thầy Cường mà những đứa trẻ nơi đây đã biết được cái chữ con số, biết múa, biết hát, biết tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Có lẽ đối với một người thầy thì đó chính là sự đền đáp xứng đáng nhất, là động lực lớn lao nhất để thầy Nguyễn Văn Cường tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

 

Thầy Nguyễn Văn Cường đang tận dụng những đồ phế liệu làm đồ chơi cho trẻ mầm non

Cuộc sống mưu sinh của đồng bào vùng cao vẫn ngày ngày trôi qua với bao khó khăn, vất vả. Nhưng thấp thoáng hình ảnh về một lớp học, bóng dáng của một người thầy đang ngày ngày miệt mài dạy chữ cho các em chính là niềm tin để thắp lên hy vọng. Hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những thế hệ trẻ và những bản làng nơi rẻo cao, biên giới.

Tiến Thành

Đài TT – TH Bố Trạch

More