TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 49

  • Tổng 7.951.187

Rộn ràng Lễ hội Đập trống

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Cứ đến hẹn lại lên, vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, bà con đồng bào dân tộc Macoong xã Thượng Trạch huyện Bố Trạch lại rộn ràng tổ chức Lễ hội đập trống. Đây là dịp để thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng cùng xây dựng, bảo vệ bản làng.

Lễ hội đập trống thu hút đông du khách và người dân đến tham gia

Xã Thượng Trạch là xã rẻo cao biên giới nằm ở phía Tây của huyện Bố Trạch nép mình dưới núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Toàn xã có 18 Bản trong đó Bản Cà roòng 1 chính là nơi được chọn để tổ chức Lễ hội Đập Trống hàng năm. Ngay từ sáng sớm ngày 16 tháng giêng âm lịch bà con dân bản sẽ cùng nhau tập trung trên khoảng sân rộng ở giữa Bản để dựng rạp, làm trống vật quan trọng nhất của Lễ hội. Điều đặc biệt của lễ hội là những tập tục chuẩn bị lễ hội hầu như còn nguyên thủy, các đồ vật sử dụng trong đêm hội đều làm rất thủ công từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Năm nay, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, nên đã thu hút được lượng lớn du khách và người dân đến tham, vì thế không khí Lễ hội cũng sôi nổi hơn mọi năm. Ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Trải qua 2 năm dịch Covid -19, năm nay UBND huyện đã sớm có kế hoạch để triển khai Lễ hội đập trống. Cụ thể, chúng tôi đã giao cho các ngành có liên quan, đặc biệt là UBND xã Thượng Trạch đã có một kế hoạch rất cụ thể, chi tiết để phục hồi, cũng như gây dựng lại Lễ hội đập trống đúng bản sắc của đồng bào dân tộc Macoong. Và đặc biệt năm nay, được sự giúp đỡ của Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chúng tôi đã đầu tư một số hạng mục, như: mua thêm cồng chiêng, trang phục, hỗ trợ một số cơ sở vật chất phục vụ cho lễ hội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác truyền thông để cho bà con mọi miền biết được Lễ hội truyền thống này“.

Đêm đến, khi trăng bắt đầu lên chính là lúc Lễ hội đập trống được diễn ra. Bên mâm cỗ đầy đặt dưới Trống thiêng, Già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu. Xong phần lễ, Già làng phát lệnh và Lễ hội đập trống bắt đầu. Dân bản, khách tham dự cùng tham gia đập trống. Người Ma Coong quan niệm rằng, tiếng trống hội càng vang xa mùa màng càng bội thu, đồng bào sẽ có một năm mới nhiều may mắn. Và họ cũng tin rằng nếu mặt trống vỡ trước khi trời sáng sẽ báo hiệu những điềm lành cho mùa trăng mới. Đến khi mặt trống bị đánh vỡ chính là lúc các thanh niên nam, nữ cùng dắt tay nhau xuống suối tình tứ, những người còn lại cùng nhau quây quần nhảy múa bên bếp lửa và nhâm nhi những chén rượu nồng. Già làng Đinh Xon - Bản Cà roòng 1 xã Thượng Trạch huyện Bố Trạch cho biết: “Lễ hội đập trống của đồng bào Macoong có từ năm 1720, là cái thời chống giặc Chiêm Thanh. Bây giờ bà con vẫn tin vào lễ hội này và bà con mong muốn chính quyền địa phương giúp đỡ làm thế nào để lễ hội này ngày càng phát triển hơn, để cho bà con có được niềm vui“.

Là du khách lần đầu tiên được trải nghiệm Lễ hội đập trống, chị Nguyễn Hoàng Mai Linh - Du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Hôm nay là lần đầu tiên em được đến với Lễ hội đập trống của người Macoong, em cảm thấy rất hào hứng, bởi vì lễ hội này rất đặc sắc và sôi nổi. Không khí này làm cho mỗi người, cho dù là khách du lịch hay người dân bản địa ở đây cảm thấy rất hòa mình vào trong không khí lễ hội. Và sau khi đập trống xong thì em cảm thấy đây là một lễ hội văn hóa hết sức đặc sắc, và em cũng hy vong sẽ được tham gia nhiều nhiều nữa những lễ hội văn hóa như thế này“.

Duy trì và phát triển Lễ hội Đập trống của đồng bào dân tộc Ma Coong chính là bảo tồn nét văn hóa truyền thống của mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc anh em của đất nước Việt Nam. Và đặc biệt quan trọng hơn, đối với huyện Bố Trạch quê hương của miền Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng thì đây còn là cơ hội để xây dựng, quảng bá đến du khách gần xa về hình ảnh của một Bố Trạch đẹp về thiên nhiên, thân thiện về con người và độc đáo về văn hóa.

Tiến Thành

Trung tâm VH – TT & TT Bố Trạch

Các tin khác