TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 1074

  • Tổng 8.036.845

Khương Hà – rộn rã tróng tuồng ngày xuân

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Các diễn viên tuồng đang diễn tiết mục vì nước vì dân

Trong làn mưa xuân lất phất cùng cái rét ngọt của những cơn gió heo may trong những ngày đầu năm được làm ấm lên bởi tiếng trống chầu Tuồng tưng bừng, rộn rã của Câu lạc bộ Tuồng Bội, làng Khương Hà, huyện Bố Trạch trong những ngày đầu xuân. Đắm mình trong những khúc Tuồng hào sảng, vui tươi mang đậm âm sắc của làng quê huyện Bố bên dòng Son thơ mộng tôi được trò chuyện cùng các cụ cao niên trong làng Khương Hà để hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo này.

Không ai còn nhớ hát Tuồng Bội ở làng Khương Hà có từ bao giờ nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì hát Tuồng xuất hiện ở làng Khương Hà từ rất sớm nên mỗi người dân Khương Hà khi sinh ra, lớn lên đã được nghe và xem hát Tuồng rồi. Cũng có cụ lần theo trí nhớ về những câu chuyện của các lớp người đi trước khi chỉ về gốc tích hát Tuồng ở Khương Hà thì kể rằng: Hát Tuồng xuất hiện ở làng Khương Hà từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Người dân làng Khương Hà đã học hát Tuồng từ Thầy Đào Duy Từ để đêm đêm cùng nhau hát múa xua tan cái không khí thâm u , tĩnh lặng của chốn rừng núi xưa kia và cũng kể từ đó thì xem Tuồng Bội và hát Tuồng Bội như là mạch nguồn văn hóa của người dân ở đây. Trải qua biết bao thế hệ, hát Tuồng vẫn bền bỉ được người dân làng Khương Hà lưu truyền và phát triển. Với mổi người dân Khương Hà, hát Tuồng chính là mạch nguồn văn hóa làng là sự kế thừa và phát triển nét văn hóa độc đáo đáng tự hào của cư dân  làng Khương Hà.

Trong những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ dù phải trên bom, dưới đạn, trốn tránh máy bay địch, di chuyển nơi này sang nơi khác nhưng người dân Khương Hà vẫn xem những cuốn vở ghi các tích tuồng như báu vật của làng vì vậy bằng mọi cách phải cất giữ cho được những cuốn vở ghi các tích tuồng vào chỗ tin cậy nhất trước khi rời làng. Chính vì vậy mà qua bao mưa bom bão đạn, lụt lội, thiên tai nhưng các tích Tuồng cổ vẫn được bảo vệ và lưu truyền cho tới hôm nay tiêu biểu như các vỡ Tuồng viết về đề tài lịch sử, anh hùng dân tộc, về cuộc sống con người phong phú cả nội dung lẫn hình thức, như: Vì nước vì dân, Tô thắm sơn hà,  Lưu Bình - Dương Lễ,  15 năm quật khởi, …

Tuồng Bội Khương Hà được tổ chức theo hình thức gánh hát từ 13 đến 18 người bao gồm: Thầy tuồng (đạo diễn), đào, kép, hề… các vai diễn Vua, Chúa, tướng, binh lính, thầy đồ, học trò, quần chúng… làn điệu tuồng có khá nhiều như: Nam ai, Nam bình, Nam dựng, Tẩu Mã, Sa mạc, Than, Hà khắc, Nói lối, trống quân…mang đậm bản sắc văn hóa Việt không chỉ nội dung mà cả hình thức. Hơn thế nữa chính cái âm sắc trầm bổng đặc biệt trong cách phát âm, lối nhả chữ luyến láy mà dứt khoát, mạnh mẽ của cư dân sông Son đã tạo nên nét đặc biệt của Tuồng bội Khương Hà so với Tuồng bội ở các nơi khác.

Nghệ sỹ hát Tuồng ở Khương Hà chính là những người nông dân chân chất, mộc mạc nhưng có tình yêu mãnh liệt đối hát Tuồng. Vừa mới ban ngày họ là những người nông dân chân lấm, tay bùn vui cấy cày trên đồng ruộng của mình nhưng khi hoàn tất công việc bước lên chiếu Tuồng họ trở thành những tướng quân, công chúa…rực rỡ đam mê cất tiếng hát tô thắm cho đời. Các nghệ sỹ chân đất của làng Khương Hà rất đa tài, họ không chỉ là đạo diễn, là diễn viên mà còn phụ trách luôn cả hóa trang, âm thanh, ánh sáng…để cống hiến cho khán giả quê nhà những tích Tuồng rộn rã, say mê.

Ngay đến cả nghệ thuật hóa trang của các nhân vật trên sân khấu Tuồng ở Khương Hà cũng vô cùng đặc biệt. Bên cạnh việc sử dụng lối vẻ mặt thường có trong Tuồng Bội thì khi hóa trang các vai diễn ở các tích tuồng Khương Hà được các nghệ sỹ chân đất khéo léo lòng ghép các yếu tố sinh hoạt, văn hóa độc đáo của quê hương mình vào các vai diễn.  Các vai diễn tên sân khấu tuồng như chính hình ảnh của người dân Khương Hà trong cuộc sống đời thường, những diễn viên chân đất vừa lội từ mặt ruộng lên thẳng sân khấu diễn đầy đam mê với những cảm xúc lắng động chạm đến trái tim người thưởng thức. Bởi vậy hát tuồng vốn xuất hiện ở nhiều nơi nhưng chỉ ở Khương Hà “Tuồng Bội” lại có được sức sống bền bỉ, mãnh liệt và ngày càng phát triển xuất phát chính là sự gắn bó màu thịt giữa sân khấu tuồng và cuộc sống thường nhật của người dân, diễn viên hóa thân vào nhân vật giống như cuộc sống thường nhật của họ.

Trước cách mạng các gánh hát Bội ở Khương Hà thường tổ chức biểu diễn trong khoảng thời gian tháng giêng, tháng hai nông nhàn. Ngày nay mặc dù được tiếp cận với nhiều hình thức giải trí hiện đại nhưng diễn Tuồng bội và xem hát Tuồng bội là điều không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của người dân làng Khương Hà trong những ngày vui xuân đón tết.Các thế hệ con cháu làng Khương Hà nô nức về quê ăn tết để vừa tận hưởng không khí đoàn viên bên gia đình lại được đắm mình trong tiếng trống chầu tuồng rộn rac của quê hương. Để có được những buổi biểu diễn thành công phục vụ nhân dân vui xuân đón tết thì ngay từ những ngày đầu tháng chạp của năm cũ các diễn viên của Câu lạc bộ Tuồng Bội Khương Hà đã say sưa tập luyện chuẩn bị cho các vai diễn đầu năm mới.

Về Khương Hà trong những ngày đầu xuân chúng ta được đắm chìm trong không khí náo nhiệt của những tích tuồng rộn rã ngày xuân. Âm vang của trống tuồng quyện hòa cùng tiếng hát ngọt ngào của các đào, các kép bên dòng Son thơ mông đã thổi vào hồn du khách những xúc cảm rộn ràng, thôi thúc mỗi chúng ta phấn đấu vươn lên để chào đón một năm mới vui tươi, thắng lợi.

Lê Hữu Lợi

Phòng VH-TT

Các tin khác