TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 1429

  • Tổng 8.034.740

Giáo dục và Đào tạo Bố Trạch - Những bước tiến trong sự nghiệp trồng người

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trải qua 40 năm phát triển, ngành giáo dục huyện Bố Trạch đã từng bước lớn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo nhân tài, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của Bố Trạch nói riêng và đất nước nói chung. Quá trình đó, là sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền, các cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên qua các thời kì của ngành giáo dục, góp phần vun đắp nên truyền thống hiếu học của quê hương “Hai giỏi”.

Ngược dòng thời gian về với giáo dục huyện nhà 40 năm trước. Năm học 1982 -1983 là năm thứ 3 ngành giáo dục thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ nhất của hệ thống giáo dục trong cả nước. Lúc bấy giờ, toàn huyện chỉ có 27 trường Phổ thông cơ sở, 2 trường cấp 1, 5 trường Bổ túc văn hóa cấp III và 01 trường cấp III Dân chính huyện. Bậc học Mầm non chỉ có 1 trường Mẫu giáo Khương Hà, 1 Nhà trẻ Liên cơ, các xã còn lại chỉ có các lớp mẫu giáo và nhóm trẻ.

Vừa mới thoát khỏi chiến tranh, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn, phòng học tạm bợ, chủ yếu là nhà tranh vách đất. Nhiều giáo viên và học sinh thời bấy giờ phải lặn lội trên những con đường đất lầy lội trong mùa mưa lũ để đi bộ đến trường. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng các thầy cô vẫn cố gắng bám trường, bám lớp, vừa dạy học, vừa tăng gia lao động sản xuất. Đội ngũ thầy cô giáo vượt lên bao khó khăn vất vả của đời thường miệt mài, say sưa lao vào công cuộc cải cách giáo dục. Với phong trào thi đua “Hai tốt”, các thế hệ cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên học tập. Nhiều học sinh của quê hương Bố Trạch thành đạt, có vị trí quan trọng trong xã hội, đóng góp công sức cho sự phát triển lớn mạnh của quê hương, đất nước.

Từ sau Đại hội VI, cùng với quá trình đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Ngành giáo dục tiếp tục có những cải cách mang tính đột phá. Đặc biệt, ngày 17/4/2002, UBND tỉnh Quảng Bình có QĐ số 740 về việc Chuyển giao quản lý giáo dục - đào tạo từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang UBND huyện, thị xã. Từ đây, huyện trực tiếp quản lý giáo dục và đã quan tâm chăm lo toàn diện về mọi mặt. Đặc biệt, hằng năm, UBND huyện luôn ưu tiên chi ngân sách cho ngành giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục.

Từ năm học 2002 - 2003, toàn huyện đã có 111 trường, trong đó có 3 trường Phổ thông cơ sở, 28 trường trung học cơ sở, 52 trường tiểu học, 9 trường mầm non, 19 trường mẫu giáo và có 7 đơn vị mẫu giáo. Tỷ lệ phòng học, phòng chức năng kiên cố ngày càng tăng. Khuôn viên trường lớp khang trang, tươi mới. Sân chơi, bãi tập từng bước bước được tôn tạo, nâng cấp. Đồ dùng, thiết bị dạy học được trang cấp, mua sắm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học. Phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt càng ngày càng có chiều sâu. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được củng cố, chất lượng mũi nhọn được nâng cao.

Từ năm 1982 đến nay, giáo dục Bố Trạch lần lượt qua các thời kì lãnh đạo của các đồng chí Trưởng phòng gồm: thầy giáo Trần Đình Trọng; thầy giáo Hoàng Hải Long; thầy giáo Nguyễn Thành Chuyên; thầy giáo Đoàn Minh Từ; thầy giáo Phan Sắc Long; thầy giáo Trần Khánh Hòa; thầy giáo Nguyễn Minh Ngọc; nay là thầy giáo Võ Hải Quân. Dù ở bất cử giai đoạn nào, giáo dục Bố Trạch luôn mang những dấu ấn riêng và đạt được những kết quả đáng tự hào.

Thầy giáo Trần Khánh Hòa, Nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bố Trạch, chia sẻ, thế hệ chúng tôi rất tự hào và vui mừng khi có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. Tin tưởng rằng, thế hệ các thầy cô giáo hiện tại và mai sau sẽ tiếp nối, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp đó để giáo dục Bố Trạch ngày càng phát triển một cách vững chắc, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Bố Trạch anh hùng.

Bốn mươi năm qua, cùng với sự quan tâm, chăm lo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã không ngừng trau dồi kiến thức, ra sức tự học, tự rèn, thi đua dạy tốt. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương cao quý được Đảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh. Trong 40 năm qua, giáo dục Bố Trạch tự hào có 6 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú gồm: cô giáo Trần Thị Tuyết Liệu, cô giáo Lê Thị Thanh Trà, cô giáo Trần Thị Khuyên, cô giáo Trần Thị Mẫu, cô giáo Lê Thị Huệ và cô giáo Phạm Thị Càn. Đến hôm nay, dù người còn, người mất nhưng giáo dục Bố Trạch mãi tri ân công lao cống hiến của các thầy cô qua bao thế hệ.

Nhà giáo ưu tú Lê Thị Thanh Trà, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Đại Trạch, tâm sự, mặc dù cuộc sống thời bấy giờ gặp vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, sách thì không có, giấy thì phải dùng vôi nấu lại, mực được làm từ hạt mồng tơi… khó khăn là vậy nhưng với tinh thần yêu nghề, yêu trẻ và phát huy được tấm gương của người nhà giáo, cho nên phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường luôn đạt được những kết quả tích cực.

Phát huy truyền thống đáng tự hào, những năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND, ngành giáo dục và đào tạo huyện nhà đã chỉ đạo các đơn vị trường học quán triệt đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến toàn ngành giáo dục; các chương trình hành động, kế hoạch, Đề án về sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Xác định giáo dục mầm non là mắt xích đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có tầm quan trọng đặc biệt xây dựng và đạo tạo thế hệ trẻ. Những năm qua, các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện luôn tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ để các em phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Hiện nay, bậc học mầm có 68 nhóm trẻ với 1.361 trẻ, tỷ lệ bán trú đạt 100%. Mẫu giáo 377 lớp với 10.519 cháu. Tỷ lệ huy động trẻ so với độ tuổi đạt trên 95,6%. Có 100% trẻ được khám sức khỏe định kỳ lần 1. Tỷ lệ bé sạch đạt 99%.

Cô giáo Nguyễn Thị Vỹ, Hiệu trưởng trường mầm non Cự Nẫm chia sẽ, nhà trường đã bám sát kế hoạch khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra và xây dựng cụ thể kế hoạch của nhà trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng môi trường và tổ chức các hoạt động theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Xác định giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, những năm qua hệ thống trường tiểu học trong hoàn huyện từng bước hoàn thiện, quy mô trường lớp ổn định. Cơ sở vật chất ngày càng tăng trưởng hướng tới thân thiện, hiện đại đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt chương trình dạy học. Hiện nay ở bậc học tiểu học có 39 trường. Để nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chú trọng lựa chọn nội dung, hình thức, kĩ thuật dạy học, gắn nội dung dạy học với thực tiễn cuộc sống, tạo hứng thú, lôi cuốn các em tham gia các hoạt động học tích cực, hiệu quả. Tổ chức cho học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ để phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu như: Trạng nguyên Tiếng Việt, Trạng nguyên Toàn tài, Olympic Tiếng Anh trên Internet,... Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng được củng cố và phát huy.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Hoàn Lão cho hay, để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong những năm học qua, nhà tường luôn chỉ đạo giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức nhằm phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm nhằm giáo dục các kỹ năng cho các em. Đặc biệt, nhà trường luôn động viên các em tích cực tham gia các sân chơi trên internet. Nhờ đó chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường luôn được nâng cao.

Ở bậc học trng học cơ sở, hiện nay toàn huyện có 27 trường. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn đã khẳng định được chổ đứng trong ngành giáo dục toàn tỉnh. Với bề dày truyền thống về bồi dưỡng học sinh giỏi, hằng năm, số lượng học sinh giỏi văn hóa của huyện luôn đứng tốp đầu của tỉnh. Giáo dục Bố Trạch là nơi cung cấp nguồn học sinh giỏi cho các trường chuyên trong và ngoài tỉnh như: trường chuyên Võ Nguyên Giáp, trường Quốc học Huế, trường Đại học Khoa học Huế, trường ĐH KH-XH Hà Nội,...

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm học 2021-2022, huyện Bố Trạch có 121 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt 82 giải các loại, trong đó có 4 giải Nhất, 11 giải Nhì, 34 giải Ba và 33 giải Khuyến khích, xếp thứ nhì toàn tỉnh.

Ghi nhận, biểu dương những học sinh có nhiều cố gắng trong học tập, đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi; các thầy cô giáo, các đơn vị có thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, hàng năm, UBND huyện, phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức lễ vinh danh, khen thưởng. Qua đó kịp thời động viên công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở các nhà trường, phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, đồng thời tuyên truyền cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tích cực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Cô giáo Văn Bích Hằng, giáo viên trường THCS Quách Xuân Kỳ, cho biết, thầy cô đã xác định được tầm quan trọng của việc bồi dường học sinh giỏi, do đó chúng tôi đã tập trung xây dựng chương trình sâu và sát tới từng đối tượng học sinh và tuyển các đối tượng học sinh theo từng đợt học. Qua mỗi một đợt thì lọc lại từng đối tượng học sinh và xây dựng một chương trình mới phù hợp với năng lực học sinh đó.

Ở bậc Trung học phổ thông, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng. Đội ngũ giáo viên có trình độ thạc sỹ chiếm 15-20%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 96%, học sinh khá giỏi đạt 43-50%. Đặc biệt, năm 2006, giáo dục Bố Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung rất đỗi tự hào khi có Lê Vũ Hoàng - học sinh THPT số 1 Bố Trạch (nay là trường THPT Lê Quý Đôn) giành được vòng nguyệt quế đường lên đỉnh Olympia mùa thứ 6.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và ngày càng đi vào nền nếp. Chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đã có nhiều lao động thoát nghèo sau khi được học nghề, đặc biệt đã mở rộng thêm các ngành nghề để đáp ứng nhu cầu của người học;

Một trong những kết quả nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo sau 40 năm là công tác giáo dục dân tộc. Từ những ngày đầu khó khăn cho đến hôm nay, giáo dục miền núi luôn được quan tâm, ưu tiên đầu tư và phát triển mạnh mẽ cả về quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục. Hệ thống trường lớp, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên tại các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đã được ưu tiên đầu tư, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, toàn huyện có 01 trường phổ thông dân tộc nội trú và 02 trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở, 02 trường tiểu học và 01 trường mầm non dành cho học sinh đân tộc thiểu số. Một số học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số Ma cong xã Thượng Trạch đã tốt nghiệp đại học và đang góp phần xây dựng chính quê hương của mình.

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của ngành giáo dục, đội ngũ nhà giáo cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành là 2.969 người, trong đó cán bộ quản lý là 255, giáo viên là 2.399 người. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 95,6%. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Phòng Giáo dục và Đào tạo là 11 người, trong đó cán bộ quản lý là 4. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các trường THPT, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề là 437 người, trong đó cán bộ quản lý là 20 người, giáo viên là 381 người. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 100%. Với việc chú trọng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nên, chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi, các Hội thi cấp tỉnh, cấp quốc gia ngày càng đạt kết quả cao.

Bốn mươi năm là một chặng đường dài, giáo dục và đào tạo huyện nhà từng bước phát triển, khẳng định vai trò to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 40 năm ấy, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, với sự nỗ lực phấn đấu của thầy và trò, ngành Giáo dục đào tạo Bố Trạch đã gặt hái được nhiều thành tích vẻ vang. Trong đó, Trường THCS Quách Xuân Kỳ vinh dự được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới. Có 02 trường được tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất; Có 03 trường được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Có 05 trường được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba; Có 07 lượt trường được tặng cờ thi đua của Chính phủ; 13 lượt trường được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 08 lượt trường được tặng Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT và 36 lượt trường được tặng Cờ thi thi đua của UBND tỉnh. Những kết quả đáng tự hào đó đã được các cấp lãnh đạo ghi nhận và đánh giáo cao.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho hay, với sự quan tâm đầu tư của huyện, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ những người làm công tác giáo dục, ngành giáo dục Bố Trạch đã có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện ở tất cả cấp học, chất lượng đại trà được duy trì cũng cố, giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Phải khẳng định rằng, ngành giáo dục Bố Trạch đã đóng góp một phần rất lớn vào việc thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Có thể khẳng định, từng bước đi vững chắc của ngành giáo dục trong 40 năm qua, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, định hướng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở, sự quan tâm chỉ đạo của Sở GD&ĐT, sự đồng hành, phối hợp có hiệu quả của các ban ngành đoàn thể, sự đóng góp to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần của phụ huynh học sinh, của nhân dân, của các tổ chức và cá nhân, sự nỗ lực cố gắng miệt mài của đội ngũ cán bộ và giáo viên qua các thời kì trong suốt chặng đường phát triển của ngành. Không bằng lòng với những gì đang có, ngành giáo dục Bố Trạch sẽ tiếp tục đi đầu đổi mới, mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Võ Hải Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bố Trạch cho biết, giáo dục Bố Trạch đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với tốc độ phát của kinh tế - xã hội của huyện thì sự phát triển của giáo dục có phần còn chưa theo kịp. Do đó, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, và có những giải pháp đột phá để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Tin rằng, với những thành tựu đã được viết nên, ngành giáo dục và đào tạo huyện nhà sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, chăm lo đào tạo những thế hệ trẻ vừa hồng, vừa chuyên, có đủ năng lực làm chủ xã hội và góp phần xây dựng quê hương Bố Trạch ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thành Vinh - Đăng Khoa

Trung tâm VH-TT&TT Bố Trạch

Các tin khác