TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1552

  • Tổng 8.046.189

Hướng đến một mô hình giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc A Rem

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Thầy giáo hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Tân Trạch Lê Văn Trương cho biết: “Từ khi chuyển đổi mô hình nhà trường sang bán trú thì tình trạng học sinh bỏ học giảm xuống rõ rệt. Thầy cô giáo cũng không còn phải vất vả đến từng nhà, lên nương rẫy để vận động học sinh đến trường. Thực hiện chế độ bếp ăn tập thể, nghỉ trưa tại trường... phần nào giúp sức khỏe các em tốt hơn. Trẻ A Rem thêm tự tin trong các hoạt động vui chơi, học tập”.

Chất lượng thay đổi.

Lần đầu tiên đến Tân Trạch (Bố Trạch) tôi thực sự bất ngờ bởi bản làng A Rem thật đẹp, khang trang. Sau này mới biết đây là món quà của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng đồng bào A Rem khi ông đang còn làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Từ xa nhìn vào, bản là cụm dân cư duy nhất của đồng bào A Rem gắn liền với hệ thống trường học, trụ sở UBND xã, nhà sinh hoạt cộng đồng... Nhưng  ấn tượng nhất với tôi đó là ngôi trường hai tầng khang trang sạch đẹp. Trước đây trường có nhiều tên gọi như: Trường PTCS Tân Trạch, Trường TH và THCS Tân Trạch, nay chuyển sang mô hình mới- Trường PTDTBT TH và THCS từ tháng 3- 2014.

Mới hoạt động theo mô hình bán trú hơn 3 tháng nhưng trường hoạt động rất nề nếp. Tổng số giáo viên 18 người bảo đảm giảng dạy toàn diện cho hai cấp TH và THCS. Đặc biệt là khu bán trú của học sinh, được sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết từ bàn ăn, chén bát, soong nồi... phục vụ bữa ăn trưa, giường, chiếu, chăn, gối để nghỉ ngơi.

Bữa cơm của học sinh Trường PTDTBT TH và THCS Tân Trạch đã có đủ đạm và các khoáng chất vitamin...

Nhà trường hợp đồng  3 cấp dưỡng lành nghề chăm lo  nấu nướng phục vụ bữa ăn hàng ngày cho 51 học sinh TH và 33 em học sinh THCS. Chế độ chi trả cho học sinh bán trú 18.000 đồng/ngày, chia làm ba bữa, một bữa chính và hai bữa phụ. Thực phẩm, gạo muối, cá, thịt, rau củ xanh... được vận chuyển dưới đồng bằng lên tiêu thụ hàng ngày nên bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ khi đường 20 hoàn thành, đời sống sinh hoạt của giáo viên, học sinh ở xã Tân Trạch thay đổi nhiều.

Trước đây cứ sau mỗi buổi học hay giờ ra chơi học sinh A Rem lại chạy về nhà tranh thủ ăn cơm. Ăn xong quên luôn chuyện đến trường tiếp tục học mà lại theo bố mẹ đi làm nương, làm rẫy, vào rừng săn chim thú... Từ khi chuyển sang mô hình bán trú, số lượng học sinh bỏ học giảm hẳn, nếu có chỉ còn một vài em cá biệt. Em Y Năng học sinh lớp 3 chia sẻ: “Buổi sáng ở nhà thường nhịn đói, nhưng đến trường thì có cái ăn, buổi trưa ăn no cái bụng, được ngủ lại nên em ưng đi học hơn”. Cũng từ đây thầy cô không còn vất vả đến từng nhà, lên nương rẫy, xuống suối tìm, gọi học sinh đến trường nữa.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, người trực tiếp chăm lo bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày cho học sinh cho hay: “Trẻ con A Rem sống hồn nhiên, chỉ thích leo trèo, săn bắt, đi nương, đi rẫy... Khép các em vào nề nếp, khuôn phép, kỷ luật rất khó. Giáo viên trong trường không đơn thuần dạy cho trẻ kiến thức mà còn là người cha, người mẹ, người anh, người chị dỗ ngon dỗ ngọt bọn trẻ. Bây giờ thì các  em đã thay đổi một cách rất bất ngờ”

Hướng tới nền giáo dục toàn diện cho học sinh miền núi

Với khẩu phần ăn của mỗi học sinh A Rem tại Trường PTDTBT TH và THCS Tân Trạch là 18.000 đồng chia làm ba bữa rất khó tính toán trong công tác chuẩn bị cho từng bữa ăn. Từ đây, phương châm đặt ra cho Ban giám hiệu nhà trường và tập thể các thầy cô giáo là “liệu cơm gắp mắm”.

Tuy chưa được toàn diện nhưng so với cơm muối, rau rừng mà trẻ A Rem ăn bữa được, bữa mất ở nhà thì bữa ăn ở trường bảo đảm dinh dưỡng hơn rất nhiều. Đây cũng là chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học giúp cho các em chống chọi lại bệnh tật, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, còi cọc, đồng thời tăng trưởng trí tuệ hơn.

Thầy  giáo Võ Thái Bình, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Hiện tại, qua một thời gian học sinh ăn ngủ tại trường theo mô hình bán trú thì chúng tôi thấy sức khỏe của các em thay đổi nhiều so với trước đây. Phấn khởi nhất khi tình trạng học sinh bỏ học không còn”. Với bếp ăn nội trú của trường, có cá, thịt, rau xanh cung cấp thêm chất sắt, chất đạm, vitamin... giúp cho cơ thể các em phát triển khỏe mạnh, toàn diện. Sự chăm sóc của nhà trường đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh hàng ngày phải lo cái ăn cho các em.

Mong rằng, cùng với cộng đồng xã hội, các cấp chính quyền xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện, hiệu quả hơn cho trẻ A Rem Tân Trạch.

Theo Hà Thị Quy
           Báo Quảng Bình

Các tin khác