TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KN - TC

Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2237

  • Tổng 8.038.008

Rạo rực tiếng trống mùa Lễ hội

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tháng Chạp về, đất trời và lòng người khắp nơi trên đất Việt đang rộn rã vào xuân. Nơi rừng núi phía tây huyện Bố, đồng bào MaCoong cũng đang nô nức đón chờ mùa xuân mới, mùa trăng mới. Cũng giống như muôn triệu người dân đất Việt người Macoong cũng làm lễ đón Tết nguyên đán nhưng cái Tết thực sự về với đồng bào nơi đây là vào dịp Rằm tháng giêng – thời điểm diễn ra lễ hội Đập trống. Đây chính là sự kiện quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc ma Coong.

Người Ma coong thuộc nhóm Bru-Vân Kiều, sử dụng ngôn ngữ Môn – Khơ me. Đồng bào Ma Coong cư trú chủ yếu ở phía tây huyện Bố Trạch trên dãi Trường Sơn hùng vĩ với anh em bạn Lào dọc theo biên giới. Trong đời sống sinh hoạt của mình, đồng bào còn bảo vệ được những giá trị văn hóa bản địa bản địa đặc sắc, điều này được thể hiện đậm nét trong Lễ hội đập trống được tổ chức vào đêm trăng sáng nhất của tháng giêng hàng năm (vào đêm 16 tháng giêng).

Lễ hội Đập trống ra đời gắn liền với sự tích về tài năng và sức mạnh của một người phụ nữ tên gọi là Mnăng. Theo lời kể của ông Đinh Xon – Chủ đất hiện nay của người Macoong cho chúng tôi biết, từ thời xa xưa khi con người mới sinh sôi trên vùng đất này luôn luôn phải đối mặt với bao nguy hiểm rình rập từ sức mạnh của thiên nhiên và sự rình rập đe dọa của thú dữ, sức vóc của con người trở nên bé nhỏ trước bao mối đe dọa từ thiên nhiên làm cho cuộc sống của con người trở nên vô cùng khó khăn. Để bảo vệ cuộc sống con người thì Bà Mnăng vốn ở bên Lào về đây đã đứng ra tập trung mọi người lại đốt lửa và đập vào vật cứng tạo ra những âm thanh lớn nhằm xua đuổi thú dữ để bảo vệ con người và mùa màng cầu mong các thế lực thần linh phù hộ có được cuộc sống no ấm hơn. Sau đó thấy cuộc sống bình yên và ngày càng no ấm nên đồng bào Macoong đã tổ chức thành lễ hội truyền thống của dân tộc mình vào đêm trăng sáng nhất của rằm tháng giêng hàng năm với ý nghĩa của lễ hội cầu mùa, cầu bình yên ấm no hạnh phúc.

Ngày nay, khi chúng ta tham gia lễ hội đập trống chúng ta thấy người đứng chủ lễ là đàn ông đó là chủ vùng đất Macoong nhưng lại ăn vận trang phục của phụ nữ. Đó cũng chính là sự tôn trọng các giá trị nguyên bản trong cách tổ chức lễ hội của người Macoong xưa với người chủ lễ là phụ nữ. Trang phục của người chủ lễ gồm khăn đội đầu, áo và váy. Các loại trang phục này thường mô phỏng theo trang phục của người Lào và nó được truyền từ đời chủ đất này sang đời chủ đất khác và chỉ được sử dụng trong lễ hội đập trống. Khi trang phục bị hỏng cần phải thay đổi thì người chủ đất phải làm lễ báo cáo với tổ tiên người Macoong và xin phép thay trang phục mới nhưng kiểu dáng vẫn như cũ.  Nét đặc biệt trong trang phục làm lễ của chủ đất thể hiện rõ nhất ở chiếc áo. Với đặc trưng là chiếc áo của người phụ nữ nên chiếc áo được may rất khéo ôm gọn vào thân người và ngắn ngang cạp váy, Trên thân áo được trang trí bằng các họa tiết hoa văn và các vật trang sức trong đó chủ yếu là đính các đồng bạc trắng.

Những lễ vật dâng lên các thế lực thần linh mà người Macoong gọi là “Giàng” mang theo ước vọng của đồng bào gửi tới thần linh. Những lễ vật này là những sản vật hay những bộ phận mang tính “cái” để sinh sôi, nảy nở, phát triển với mong ước cây cối ngày càng xanh tươi, cá tôm đầy suối, gia súc đầy đàn. Trong khi tiến hành làm lễ, bên cạnh chủ lễ còn có các phù lễ. Những người có vinh dự giữ vai trò phù lễ đều là phụ nữ, họ là con cháu của dòng dõi Bà Mnăng (chủ đất trước đây) và các cô gái xinh đẹp của núi rừng Macoong. Trong khi người chủ đất đọc bài cúng bằng tiếng Macoong để cúng Giàng, báo cáo với Giàng tình hình đời sống năm qua và cầu mong Giàng phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống no đủ, mời Giàng về hưởng các lễ vật linh thiêng được đồng bào thành tâm dâng lên thì các phù lễ được sắp xếp ngồi ở cuối chiếc rạp bày những lễ vật cúng Giàng.

Sau khi hoàn tất phần nghi lễ cũng vào khoảng nửa đêm là đến phần hội. Đêm Cà – Roòng, dưới ánh trăng huyễn hoặc của rằm tháng Giêng, trong cái không khí lành lạnh của tiết trời những ngày đầu xuân nhưng lòng người tại lễ hội đập trống lại rộn vang, ấm áp lạ thường khi được tham gia vào cuộc đập trống hân hoan được chờ đợi suốt cả một năm trời. Người có vinh dự đánh tiếng trống khai hội được chính những người phụ nữ làm phù lễ - con cháu của bà Mnăng. Tiếng trống rộn vang, dặt dìu theo điệu nhạc nhẹ nhàng, bay bổng hòa quyện vào núi rừng Macoong, hòa vào lòng người đắm say theo hội. Hơn thế nữa, tiếng trống mang theo cả sự nhẹ nhàng, ý tứ mà nồng hậu, đắm say của chính những người đánh trống. Khác với tiếng cồng, tiếng chiêng với âm vang lớn, có sự dứt khoát trong động tác của đồng bào tây nguyên được những bàn tay rắn chắc của những người đàn ông tạo ra thì tiếng trống của người Macoong lại ngân vang dìu dặt để quyện lòng người, hòa vào đất trời để cùng đắm say trong không khí của lễ hội. Đặc biệt, trong khi đập trống người đập trống còn kết hợp cả những động tác múa chân rất độc đáo và mềm mại tương ứng với từng nhịp trống được phát ra. Để đợi đến lượt mình được đập trống, mọi người cùng múa các điệu múa Macoong truyền thống thể hiện ước nguyện được Giàng phù hộ cho được một năm mới mùa mang tươi tốt no đủ hơn. Khi múa đòi hỏi người múa phải khéo léo điều khiển đôi bàn tay của mình chụm lại và hướng của các ngón tay vòng xuống như hình dáng của nhánh lúa trĩu hạt lại được kết hợp với những bước chân uyển chuyển quyện vào tiếng trống nhưng phải đưa hướng di chuyển của đôi chân từ ngoài vào trong với ước mong lúa sẽ trĩu bông cá tôm về đầy sông suối. Cứ như thế tiếng trống và điệu múa đã tạo nên sức hút đặc biệt đưa mọi người có mặt tại lễ hội xích lại gần nhau, cùng nhau hòa chung vào tiếng trống và điệu múa dập dìu của đồng bào Macoong cho đến khi nào trống vỡ.

Khi trống vỡ, những âm hưởng rộn ràng của tiếng trống mùa lễ rội như rạo rực hơn trong con tim của người Macoong. Bởi theo tục lệ của đồng bào thời điểm trống vỡ cũng là lúc mà mọi niêm giới, quy tắc được xóa nhòa, là thời điểm thăng hoa của cảm xúc. Đến lúc này các đôi trai gái Macoong đưa nhau tìm về với núi rừng, khe suối của bản làng yêu thương để tự tình mà theo quan niệm của người Macoong đó là điều tốt là tín hiệu của sự sinh sôi, nảy nở, của cuộc sống no đủ, ấm áp hơn. Và khi trời bắt đầu tảng sáng, họ chia tay nhau, chia tay mùa lễ hội trọn vẹn để hẹn đến mùa lễ hội năm sau lại gặp nhau trong tiếng trống dập dìu.

Ngày nay cứ mỗi độ tháng Giêng về núi rừng Macoong không chỉ còn là điểm hẹn riêng của đồng bào dân tộc Macoong nữa mà lễ hội đập trong còn là điểm hẹn của đồng bào các dân tộc anh em. Chúng ta tham gia lễ hội đập trống để được sống trong không khí lễ hội vẹn nguyên nhất để hòa nhịp tiếng của đất trời và lòng người trong tiếng trống rạo rực của mùa lễ hội./.                          

Lê Hữu Lợi

PHÒNG VHTT HUYỆN BỐ TRẠCH